Tóm Tắt Sách Ngũ Luân Thư – Từ Binh Pháp Cho Đến Chiến Lược Kinh Doanh

Sách ngũ luân thư

Đã có rất nhiều tác phẩm viết về con người Nhật Bản và tinh thần Samurai. Nhưng khi nói về kiếm pháp, trong lịch sử không ai vượt qua được Musashi. Bàn về đạo làm người cũng hiếm có người nào cao quý hơn ông. Chính vì vậy, tác phẩm đúc kết tinh hoa cuộc đời Musashi – Ngũ Luân Thư lại càng xứng đáng được tôn vinh và coi trọng. Bản tóm tắt dưới đây của Trạm Sách sẽ đúc kết những quan sát, kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu của ông.

Tác giả Ngũ Luân Thư – Miyamoto Musashi là ai?

Miyamoto Musashi (1584 – 1645) là người sáng lập môn phái sử dụng song kiếm Niten Ichi Ryu (Nhị Thiên Nhất Lưu). Trước khi bước sang tuổi 30, ông đã được tôn xưng là Thánh Kiếm của Nhật Bản. Bắt đầu sự nghiệp kiếm khách từ khi còn rất trẻ, Musashi chưa từng nếm mùi thất bại, đặc biệt trong thời kỳ hỗn loạn và chinh chiến của thời tiền Mạc phủ Tokugawa. Chiến tích bất bại của ông là điều hiếm có ai sánh được trong lịch sử.

Một trong những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời Musashi là trận Tử địa Sekigahara (1600), trận đánh lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản giữa Đông Quân và Tây Quân. Trận chiến này đã đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ thịnh trị của Mạc phủ Tokugawa sau khi Đông Quân giành chiến thắng, nhưng cũng biến Sekigahara thành “tử địa” với 70.000 người ngã xuống. Khi ấy, Musashi mới 16 tuổi, tham chiến với tư cách là võ sĩ của phe Tây Quân, phe thất bại. Dù nhiều kiếm sĩ đã bỏ mạng, Musashi không chỉ sống sót sau 3 ngày chiến đấu liên tục mà còn thoát khỏi sự truy sát của phe chiến thắng.

Miyamoto Musashi là ngưởi sáng lập môn phái nhị thiên nhất lưu

Sau trận Sekigahara, Musashi chu du khắp nơi để luyện kiếm, báo thù và tham gia các cuộc quyết đấu sinh tử. Cuối cùng, ông rèn luyện bản thân để trở thành kiếm sĩ lừng danh nhất Nhật Bản với chiến tích bất bại trước mọi đối thủ. Tuy nhiên từ năm 30 tuổi, sau khoảng 60 trận đấu, Musashi bất ngờ từ bỏ việc quyết đấu. Thay vào đó, suốt phần đời còn lại, ông chỉ tập trung luyện kiếm, dạy kiếm, phát triển kiếm pháp, nghiên cứu binh pháp và viết sách, trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất là Ngũ Luân Thư.

Không giống như nhiều samurai khác từ bỏ đao kiếm trong thời bình của Mạc phủ Tokugawa, Musashi vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của một kiếm khách, tìm kiếm sự giác ngộ trên con đường gian khó của Kiếm đạo. Ông không chỉ là một Thánh Kiếm mà còn là một Đại thiền sư của Nhật Bản, và ở phương Tây, ông được xem như một triết gia. Trong mọi lĩnh vực, Musashi tự mình tu dưỡng, sáng tạo và không ngừng cải tiến, kể cả vượt qua những giới hạn do chính mình đặt ra. Ông từng viết: “Không có nghề nào cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”.

Miyamoto Musashi là Tác giả của sách Ngũ Luân Thư

Nội dung chính Ngũ Luân Thư

Ngũ Luân Thư được Musashi hoàn thành vào những năm cuối đời. Trong tác phẩm này, ông không chỉ đề cập đến võ thuật và kiếm pháp mà còn hướng đến triết lý sâu xa về Đạo của người học kiếm và dụng binh.

Nếu như ở Trung Quốc có Binh Pháp Tôn Tử được xem là cẩm nang cho các vị tướng, thì sách của Musashi lại dành cho mọi tầng lớp, từ vua chúa cho đến thường dân. Ngày nay, tác phẩm này được nghiên cứu rộng rãi, từ các giảng đường danh tiếng như Harvard đến các doanh nhân và chiến lược gia. Tờ Time từng ca ngợi rằng Ngũ Luân Thư là “câu trả lời của Nhật Bản cho chương trình MBA của Harvard” và khi Musashi cất lời, “phố Wall lặng im”.

Sự ứng dụng đa dạng của Ngũ Luân Thư cho đến ngày nay chính là hiện thân của tinh thần mà Musashi muốn truyền tải: “Khi đã thấu hiểu Đạo của binh pháp, không có gì là không thể hiểu”. Điểm đặc biệt ở Musashi là ông chỉ viết ra những điều tinh túy và cốt lõi để người đọc, dù ở trình độ hay thời đại nào cũng có thể rút ra bài học cho riêng mình và tiếp tục nghiền ngẫm qua thời gian.

Tác phẩm này không khiến người đọc cảm thấy bị áp lực bởi ngôn từ hay phải cố hiểu ý tứ của một “thánh nhân”. Musashi không trích dẫn kinh Phật hay lời giáo huấn của Khổng Tử, bởi cuối cùng, ông quy về một chữ “Không”: Ngộ đạo là không ngộ đạo. Hiểu được nguyên lý này tức là không còn gì để hiểu thêm.

Về bố cục, Ngũ Luân Thư bao gồm năm phần, được viết dựa trên các yếu tố Địa – Thủy – Hỏa – Phong – Không.

Nội dung chính của cuốn sách

Ngũ Luân Thư: Địa chi quyền

Đây là phần trọng tâm trong Ngũ Luân Thư, giải thích đạo binh pháp theo quan điểm của môn phái Nhất Lưu. Theo Musashi, con người không thể thấu hiểu chính đạo chỉ qua kiếm thuật đơn thuần. Cần phải nắm bắt cả những việc nhỏ bé nhất lẫn những điều trọng đại, cả những điều nông cạn và sâu sắc. Giống như một con đường thẳng tắp được vạch rõ giữa không gian rộng lớn, vì thế phần này được gọi là Địa.

Tóm tắt ngũ luân thư: Địa chi quyển

Ngũ Luân Thư: Thủy chi quyển

Giống như nước trong xanh và tinh khiết, Thủy Chi Quyển trong Ngũ Luân Thư thể hiện đặc tính linh hoạt và thuần khiết của môn phái Nhất Lưu. Nước có thể biến đổi để thích nghi với hình dạng của vật chứa nó, khi thì êm đềm như dòng suối nhỏ, khi thì mạnh mẽ như biển cả trong cơn bão tố. Với nguyên tố Thủy, Musashi trình bày một nguyên lý quan trọng của binh pháp: “nhất dĩ quán chi” – hiểu được một điều sẽ hiểu được mọi điều. Ông viết: “Nếu đã tinh thông nguyên lý của kiếm pháp, vậy khi ngươi có thể dễ dàng tấn công và hạ gục một đối thủ tùy ý thì cũng có thể đánh bại bất cứ ai trên đời. Tinh thần chiến thắng một người và tinh thần đánh bại hàng ngàn vạn người không có gì khác biệt”.

Thủy chi quyển thể hiện sự linh hoạt và trong khiết của môn phái

Ngũ Luân Thư: Hỏa chi quyển

Đây có lẽ là phần mà những người đam mê binh pháp chờ đợi nhất trong bộ Ngũ Luân Thư. Trong quyển này, Musashi tập trung nhiều vào đấu kiếm, kỹ thuật và phương pháp chiến đấu trong các trận chiến. Bản chất của lửa là hung hãn dù đó là một ngọn lửa nhỏ hay lớn, điều này rất phù hợp với tinh thần của chiến trận.

Tinh hoa của quyển này nằm ở chỗ người đọc có thể áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày, rèn luyện để đưa ra những quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Đối với binh pháp, cần phải biến việc trau dồi mưu lược thành thói quen sinh hoạt thường nhật và luyện tập không ngừng ngày đêm.

Hỏa chi quyển tập trung vào đấu kiếm và kỹ thuật chiến đấu

Ngũ Luân Thư: Phong chi quyển

Trong quyển này, Musashi không chỉ giới hạn ở việc thảo luận về môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu mà còn mở rộng đến các môn phái khác. Chữ “Phong” ở đây mang ý nghĩa “cổ phong”, ám chỉ truyền thống và binh pháp của các gia tộc lớn. Musashi viết: “Thật khó để hiểu rõ chính mình nếu không biết gì về các môn phái khác.” Do đó trong quyển này, ông quyết định diễn giải về nhiều loại binh pháp khắp thiên hạ, đồng thời làm rõ những điểm khác biệt giữa môn phái của ông và Các Trường Phái Khác.

Tóm tắt ngũ luân thư phần phong chi quyển

Ngũ Luân Thư: Không chi quyển

Đây là quyển đặc biệt nhất trong bộ Ngũ Luân Thư và cũng ngắn gọn nhất, chỉ vỏn vẹn hai trang (nếu in trên khổ giấy A4 thì có lẽ chỉ khoảng một trang, trong đó 5 dòng là thơ). Chữ “Không” ở đây mang ý nghĩa vô thủy vô chung, tức không có điểm bắt đầu và cũng không có kết thúc. Ngộ đạo chính là không ngộ đạo. Hiểu được nguyên lý này có nghĩa là không còn gì để đạt thêm. Khi nói về Đạo của “Không”, Musashi hướng người đọc đến con đường chính đạo, đó là sự hòa hợp với thiên nhiên. Đạo của binh pháp cũng chính là Đạo của thiên nhiên.

Xem thêm: Tóm Tắt Sách Nhà Giả Kim: Hành Trình Tâm Linh Và Khám Phá Bản Thân

Review ngũ luân thư phần không chi quyển

Tóm lại, Ngũ Luân Thư là một cẩm nang quý hiếm dành cho những ai đam mê võ thuật và binh pháp. Trong cuộc sống thường ngày, tác phẩm này giúp người đọc rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần để trở nên khéo léo, linh hoạt trong một thời đại đầy khắc nghiệt mà vẫn giữ được sự bình tĩnh và hòa hợp với thiên nhiên. Tinh hoa ấy, thật may mắn, đã được đúc kết bởi một con người kiệt xuất từ gần 400 năm trước.

Xem thêm: Tóm Tắt Sách Người Giàu Có Nhất Thành Babylon – Quyển Kinh Thánh Về Làm Giàu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *