Trong một xã hội với ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh và vô số lựa chọn, việc thuyết phục mọi loại khách hàng trở nên khó khăn hơn gấp bội. Với lối kể chuyện tự nhiên và những chia sẻ chân thành về các nguyên tắc bán hàng cùng những câu chuyện thực tế, Cuốn sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao của Zig Ziglar sẽ giúp bạn từng bước đạt được thành công trong công việc bán hàng.
Tác giả sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Zig Ziglar là ai?
Zig Ziglar là một trong những chuyên gia bán hàng, diễn giả và là tác giả nổi tiếng nhất của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật bán hàng và cuộc sống đẹp. Ông đã rất thành công khi kết hợp niềm tin tôn giáo với tư duy tích cực mà ông luôn khuyến khích, điều này tạo nên triết lý sống mang đậm dấu ấn riêng “Better than Good” của ông.
Xuất thân từ một gia đình nghèo với 12 anh chị em và mất cha khi mới 6 tuổi, Zig Ziglar đã vươn lên để trở thành một trong những người bán hàng giỏi nhất nước Mỹ và là một trong những diễn giả hàng đầu.
Nghệ thuật bán hàng bậc cao tóm tắt nội dung sách
Bạn có thể đạt được tất cả mọi thứ trong cuộc sống nếu bạn biết cách giúp người khác đạt được điều họ mong muốn. Đây là bài học xuyên suốt trong cuốn sách “Secrets of Closing the Sale” của Zig Ziglar.
Người đọc sẽ thấy rằng bài học này càng đúng và cần thiết hơn trong cuộc sống hiện tại so với thời điểm cuốn sách lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1984.
“Secrets of Closing the Sale” tập hợp những nguyên tắc bán hàng đã được tác giả – một trong những chuyên gia bán hàng hàng đầu và nổi tiếng nhất tại Mỹ kiểm chứng qua thực tiễn.
Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách có tựa đề “Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao” được Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao phần I: Phân tích tâm lý bán hàng
“Bà nội trợ” bán hàng xuất sắc
“Anh yêu! Em vừa tìm thấy ngôi nhà trong mơ của mình rồi!” Tôi gần như bị mê hoặc khi nhìn thấy ngôi nhà đó và muốn mua ngay lập tức nhưng thật đáng tiếc là tôi không đủ tiền. Tôi cố làm ra vẻ như không hứng thú trước mặt vợ và chủ thầu.
Vợ tôi không tranh cãi khi tôi nhắc đến việc không đủ tiền. Thay vào đó, cô ấy sử dụng những chiến thuật bán hàng khéo léo để thuyết phục tôi. Cô ấy từng bước làm tôi “ngộ” ra rằng, không chỉ chúng tôi có khả năng mua ngôi nhà đó mà chúng tôi còn nên mua nó. Cô ấy chia nhỏ các chi phí như tiền thuê, phí bảo hiểm và khoản trả thêm. Sau đó, cô chứng minh rằng việc trả nợ dần sẽ không quá khó khăn sau khi mua nhà. Cuối cùng, vợ tôi đã thuyết phục được tôi.
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao khuyên bạn cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin liên quan đến khách hàng, chia nhỏ giá trị sản phẩm và thuyết phục họ bằng sự lạc quan của mình. Hãy phớt lờ những lời từ chối ban đầu và tiếp tục đặt ra các câu hỏi để làm rõ vấn đề, dẫn dắt khách hàng đến quyết định cuối cùng. Khả năng tưởng tượng của người bán hàng sẽ giúp khách hàng nhìn thấy những gì họ thực sự mong muốn.
Khách hàng là “thượng đế”
Không gì khiến người bán hàng nản lòng hơn là bị khách hàng từ chối trước một sản phẩm có chất lượng tốt và chi phí thấp. Để vượt qua điều đó, bạn phải thuyết phục họ. Tuy nhiên, để thuyết phục người khác, thay vì chỉ nói cho họ nghe, bạn nên đặt câu hỏi và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Lúc này, bạn trở thành “nhà tư vấn” hoặc người hướng dẫn mua hàng.
Khi khách hàng nhận thấy sự đánh giá hợp lý từ bạn, họ sẽ tự thuyết phục bản thân. Đó là lúc bạn có nhiều cơ hội “dẫn dắt” họ đến quyết định mua hàng, bởi không còn lý do nào khiến họ từ chối nữa.
Sự tín nhiệm
Khi đối diện với những thách thức từ khách hàng, niềm tin và sự tín nhiệm là nền tảng vững chắc giúp bạn vượt qua.
Đầu tiên, người bán hàng phải là người có lòng tốt, cùng khả năng thiên bẩm hoặc trực giác để trở thành một “nhà tư vấn mua hàng”. Trong lĩnh vực bán hàng, có những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại tạo nên sự khác biệt cho bạn, như đôi giày được đánh bóng sạch sẽ, bộ com-lê phẳng phiu, trang phục chỉnh chu, gương mặt tươi tắn, cách ứng xử khéo léo, và đặc biệt là sự chân thành khi nói lời cảm ơn.
Tóm tắt sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao phần sự tín nhiệm: Nếu bạn hoàn tất một thương vụ quá nhanh, trước khi thiết lập giá trị bền vững trong tâm trí khách hàng, điều đó cho thấy bạn chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu và mong muốn của họ, mà chỉ tập trung vào lợi ích của mình và thúc đẩy các thương vụ tiếp theo. Hành động này có thể vô tình dựng lên một bức tường ngăn cách giữa bạn và khách hàng.
Kinh nghiệm Sale
Khi khách hàng nói “không”, điều đó thường có nghĩa là “tôi không chắc sẽ mua”, nhưng họ sẵn sàng đưa ra quyết định mới dựa trên những thông tin mới. Vì vậy, bạn cần cố gắng hoàn tất thương vụ ngay sau khi đã xây dựng đủ giá trị cho sản phẩm hoặc khơi gợi mong muốn sở hữu sản phẩm từ khách hàng, chứ không phải đợi đến khi cung cấp toàn bộ thông tin rồi mới chốt lại. Đó là một sai lầm nghiêm trọng.
Review sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao phần kinh nghiệm sale: Khi khách hàng từ chối hoặc nói rằng không đủ tiền, điều đó có nghĩa là họ chưa cảm thấy sản phẩm của bạn xứng đáng với mức giá đã được đưa ra. Lúc này, thay vì điều chỉnh giá hoặc giảm giá đột ngột, bạn có thể nhanh chóng nâng cao giá trị của sản phẩm bằng cách cung cấp thêm thông tin hữu ích. Việc này không chỉ tạo dựng niềm tin mà còn giúp cuộc trò chuyện trở nên cởi mở và tích cực hơn giữa bạn và khách hàng.
Luyện giọng
Để thành công trong lĩnh vực bán hàng, bạn cần học cách cải thiện ngữ điệu để giọng nói trở nên truyền cảm hơn. Bởi ngoài việc lắng nghe khách hàng, bạn còn cần biết cách dẫn dắt câu chuyện và diễn đạt sao cho thật thuyết phục và cuốn hút.
Người bán hàng chuyên nghiệp
Một người bán hàng chuyên nghiệp hiểu rõ công việc và khách hàng của mình, biết cách sử dụng lời nói và các biện pháp tâm lý để thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm hoặc dịch vụ. Sau khi đã cung cấp những gì mình cam kết, bạn có thể tiếp tục giới thiệu thêm các dịch vụ giá trị gia tăng, tất cả đều nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho lợi ích của khách hàng.
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Phần II: Điểm mấu chốt của nghệ thuật bán hàng
Điều then chốt trong sự nghiệp bán hàng
Một người bán hàng tự tin, suy nghĩ tích cực, làm việc dựa trên sự trung thực và thẳng thắn chính là người có thể xoa dịu mọi lo lắng của khách hàng một cách hiệu quả nhất. Họ thực sự làm cho khách hàng cảm thấy rằng sẽ là một thiệt thòi nếu không sở hữu sản phẩm của bạn.
Review sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao phần điều then chốt trong bán hàng: Bạn không chỉ tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm mà còn phải đặt niềm tin vào công ty mà bạn đại diện. Việc xây dựng uy tín cho doanh nghiệp sẽ củng cố thêm danh tiếng của bạn, góp phần lớn vào sự thành công trong sự nghiệp bán hàng của mình.
Sự đồng cảm
Khi bạn đồng cảm với ai đó, bạn sẽ hiểu và nhạy bén với cách họ suy nghĩ và hành xử. Nhờ có cái nhìn thấu đáo, bạn có thể hỗ trợ họ tìm ra giải pháp cho vấn đề. Để trở thành một người có nghệ thuật bán hàng bậc cao, bạn cần có khả năng thoát khỏi vai trò của người bán và đặt mình vào vị trí của người mua. Khi bạn hiểu được khách hàng đang nghĩ gì và cảm thấy ra sao, chắc chắn bạn sẽ bán được nhiều hàng hơn, vì khi đó bạn có thể đáp ứng đúng nhu cầu của họ một cách chính xác hơn.
Xem thêm: Tóm Tắt Đắc Nhân Tâm: Cách Để Kết Bạn Và Gây Ảnh Hưởng Đến Người Khác
Làm việc với thái độ đúng đắn
Để đạt được điều bạn mong muốn, trước tiên cần cải thiện cách ứng xử của mình. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh cách cư xử, bạn phải thay đổi cách suy nghĩ. Và để thay đổi cách suy nghĩ, bạn cần cải thiện những yếu tố tác động đến suy nghĩ của mình.
Thái độ đối với bản thân
Bạn cần hiểu rằng, không ai trên đời có thể khiến bạn cảm thấy thấp kém nếu bạn không cho phép điều đó. Tuy nhiên, sự tự tin và nhận thức đúng đắn về bản thân hoàn toàn khác với tự mãn thái quá. Tất cả những người bán hàng xuất sắc đều có một cái tôi tích cực. Nếu để cái tôi tự mãn kiểm soát, họ sẽ không thể trở nên xuất sắc được.
Review sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao phần thái độ đối với bản thân: Khi bạn có nhận thức đúng đắn về bản thân, bạn có thể gặp gỡ nhiều khách hàng liên tục mà không để tâm trạng của mình bị ảnh hưởng bởi kết quả của những cuộc gặp gỡ đó.
Thái độ của bạn với những người xung quanh
Điều mà khách hàng thường phàn nàn nhất chính là thái độ thiếu lịch sự, thờ ơ và sự làm việc kém hiệu quả của nhân viên bán hàng.
Vì vậy, nhân viên bán hàng cần nhận thức được tầm quan trọng của mỗi khách hàng mà họ tiếp xúc. Cách tốt nhất để giữ chân khách hàng là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Luôn trân trọng giá trị thời gian mà khách hàng dành cho bạn và sử dụng thời gian đó một cách hiệu quả nhất.
Thái độ đối với việc bán hàng
Nhiều người hiểu lầm rằng một nhân viên bán hàng “giỏi” là người có thể khiến người khác mua những thứ họ không thực sự muốn hoặc cần. Tuy nhiên, ngày nay, một người bán hàng chuyên nghiệp thực sự là một cố vấn, người có khả năng xác định nhu cầu của khách hàng và sau đó đáp ứng những nhu cầu đó một cách thiết thực.
Người có nghệ thuật bán hàng bậc cao tự hào vì đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, thúc đẩy các nhà sáng chế và phát minh. Xu hướng khách hàng hiện nay nghiêng về việc tiếp thị kết hợp với tư duy khách hàng và ngày càng gắn kết hơn với các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội.
Sức mạnh thể chất
Bên cạnh việc duy trì thói quen tập luyện thể dục đều đặn, bạn cần tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng và đảm bảo thời gian ngủ hợp lý. Trang bị kiến thức cần thiết để duy trì ngoại hình ưa nhìn sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong các buổi gặp gỡ khách hàng. Một người bán hàng bậc cao là người biết cách cân bằng giữa thể chất, tinh thần và lý trí.
Sức mạnh trí não
Sức mạnh trí não được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức và thái độ đúng đắn sẽ tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong từng thương vụ mà bạn thực hiện.
Bạn có thể phát triển sức mạnh trí não của mình bằng cách đọc những cuốn sách hay như Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao, tham gia các khóa huấn luyện bán hàng chuyên nghiệp hoặc các buổi họp mặt của công ty. Tất cả những hoạt động này sẽ giúp bồi dưỡng cho tâm trí bạn những suy nghĩ tích cực, rõ ràng, lạc quan và lành mạnh.
Xem thêm: Tâm Lý Học Thành Công Review – Tư Duy Cố Định Và Tư Duy Phát Triển
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Phần III: Để trở thành nhà bán hàng chuyên nghiệp
Vận dụng những thủ thuật chuyên nghiệp
Bạn cần nhớ rằng, thái độ trong quá trình bán hàng liên quan chặt chẽ đến sự hiểu biết về tính cách con người và nhiều yếu tố khác.
Một chuyên gia bán hàng tận tâm, được đào tạo bài bản sẽ luôn hành động dựa trên suy nghĩ và thái độ tích cực, biết thích nghi với tình huống thay vì phản ứng giận dữ trước những khó khăn hoặc thử thách thực tế mà họ gặp phải.
Đặc điểm tính cách của những người bán hàng chuyên nghiệp
Những chuyên gia có nghệ thuật bán hàng bậc cao là những người nắm vững lý do và lập luận của khách hàng, nhưng chính cảm xúc mới là yếu tố thúc đẩy họ hành động.
Các yếu tố mang tính logic thường ảnh hưởng đến những gì khách hàng quan sát và hiểu rõ, trong khi các yếu tố mang tính cảm xúc lại có khả năng lôi cuốn họ. Vì thế, việc thực hành trên sản phẩm cụ thể giúp khách hàng trực tiếp trải nghiệm cách hoạt động và chức năng của sản phẩm. Hãy sử dụng lời nói và cử chỉ phù hợp khi tiếp cận khách hàng, cơ hội bán hàng của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
Hình ảnh của một người bán hàng chuyên nghiệp
Hãy xây dựng hình ảnh của mình như một người bạn đồng hành, đồng thời là một chuyên gia tư vấn, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng chọn sản phẩm phù hợp và giúp họ cảm thấy hài lòng với lựa chọn đó. Sau mỗi thương vụ thành công, bạn không chỉ có thêm một khách hàng mà còn tạo dựng thêm một mối quan hệ thân thiết như một người bạn.
Ai cũng có thể là người bán hàng và mọi thứ đều có thể là sản phẩm
Tôi từng đến khám răng tại phòng nha của bác sĩ McDougal vì biết rằng anh là một nha sĩ giỏi. Sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên phòng khám được thể hiện qua sự chăm sóc chu đáo đối với bệnh nhân. Bác sĩ McDougal không chỉ là một nha sĩ tận tâm mà còn là một chuyên gia bán hàng thực thụ, nhờ vào sự chú ý tỉ mỉ và tận tình đối với khách hàng của mình.
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Phần IV: Mối liên hệ giữa trí tưởng tượng và bức tranh ngôn từ
Vai trò của trí tưởng tượng
Ba yếu tố quan trọng: trí tưởng tượng, cảm xúc và logic, đều được vận dụng trong bán hàng. Bạn có thể chia nhỏ giá bán của sản phẩm thành những con số nhỏ hơn để khách hàng cảm thấy dễ chấp nhận. Khi bạn cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ giúp giảm ngân sách, nhiệm vụ của bạn là thuyết phục khách hàng cho đến khi họ có thể hình dung và nhận ra rằng, dù có mua hay không họ vẫn phải chi tiền. Bằng cách làm rõ rằng việc không đầu tư vào sản phẩm còn tốn kém hơn việc mua nó, khách hàng sẽ dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư.
Sử dụng bức tranh ngôn từ
Thành công của một thương vụ phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn diễn đạt và sự diễn đạt đó không thể thiếu những từ ngữ quan trọng.
Từ quan trọng đầu tiên chính là tên của khách hàng, bởi đây là âm thanh êm ái, dễ nghe và họ luôn thích được nghe nhất. Hãy thường xuyên lặp lại tên của họ trong cuộc trò chuyện vì đó là sợi dây kết nối giữa bạn và cảm xúc của khách hàng.
Tóm tắt sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao phần bức tranh ngôn từ: Một số từ ngữ có thể xoa dịu cảm xúc của khách hàng, thay vì khiến họ trở nên thờ ơ hay từ chối. Ví dụ, khách hàng sẽ dễ dàng đồng ý với một “thỏa thuận” hơn là ký một “hợp đồng”; và nhiều người thích nghe từ “đầu tư” hơn là “mua hàng”. Những từ ngữ và cụm từ gợi lên hình ảnh sinh động sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn trong việc thuyết phục khách hàng.
Xem thêm: Sách Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ Review: Bí Thuật Tạo Nên Sức Hút Từ Lời Nói
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Phần V: Những chi tiết không thể bỏ qua trong bán hàng
Khi bị phản đối, làm thế nào để hoàn tất thương vụ
Thời điểm tốt nhất để giải quyết sự phản đối là trước khi nó xuất hiện. Điều quan trọng là bạn phải đặt mình vào vị trí của khách hàng, dự đoán trước những phản đối có thể gặp và giải quyết chúng ngay trong bài thuyết trình của mình. Bạn nên thu âm lại bài thuyết trình, lắng nghe và đánh giá kỹ lưỡng những điểm chưa rõ ràng, quá dài dòng, khó hiểu hoặc bỏ sót những điểm mấu chốt.
Hãy cởi mở với khách hàng và cho phép họ mua hàng bất cứ khi nào họ sẵn sàng thay vì khăng khăng yêu cầu họ nghe toàn bộ bài thuyết trình trước khi “cho phép” họ đưa ra quyết định mua.
Những kiểu khách hàng thường gặp
Một số khách hàng bạn gặp có thể luôn tỏ ra đối nghịch với bạn. Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng mục tiêu của người bán hàng không phải là chiến thắng khách hàng mà là thuyết phục họ. Dưới đây là một số loại khách hàng tác giả đã liệt kê trong Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao:
Khách hàng cả tin: Khi làm việc với kiểu khách hàng này, bạn chỉ cần thể hiện sự thẳng thắn và cởi mở.
Khách hàng đa nghi: Những người này thường không tin tưởng người khác và luôn nghĩ rằng có ai đó muốn “qua mặt” họ.
Khách hàng có thái độ thù địch: Loại khách hàng này có thể từng bị lợi dụng hoặc lừa dối trong quá khứ, hoặc đơn giản là họ đã từng gặp phải những người bán hàng không lắng nghe lời phàn nàn của họ.
Khách hàng không quyết đoán: Đây có lẽ là kiểu khách hàng kém hạnh phúc nhất, vì họ luôn do dự và không chắc chắn, đặc biệt là với các quyết định lớn.
Tóm lại, khách hàng của bạn là những người luôn muốn cảm thấy mình đúng, được thấu hiểu và được đánh giá cao. Mục tiêu của chúng ta là đáp ứng nhu cầu của họ một cách tốt nhất để từ đó họ trở thành những khách hàng thực sự và trung thành của chúng ta.
Hoàn tất thương vụ bằng câu hỏi
Sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao trích dẫn câu nói của Socrates: “Nếu người đối diện không ngần ngại đồng ý với ý kiến của bạn (vì họ không thể bác bỏ), hãy dựa vào đó để tiếp tục đặt ra một loạt câu hỏi tiếp theo và cuối cùng chốt lại vấn đề bằng một câu hỏi quyết định. Tôi tin rằng bạn sẽ nhận được câu trả lời như mong đợi”.
Ví dụ, nếu bạn làm công việc môi giới nhà đất, sau khi đã xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng bạn nên dẫn họ đi tham quan ngôi nhà mà bạn đã mô tả trước đó. Hãy đưa ra những câu hỏi cụ thể như: “Ông định đặt chiếc ghế sofa ở vị trí nào trong phòng khách?” hoặc “Chiếc giường của Johnny sẽ được đặt ở đâu, thưa ông?” Những câu hỏi này không chỉ giúp khách hàng hình dung ngôi nhà mà còn tạo sự kết nối.
Chiến thuật ràng buộc
Khi khách hàng hỏi: “Sản phẩm này có mẫu màu xanh không?”, nếu bạn chỉ trả lời “có”, điều đó sẽ không giúp bạn tiến gần hơn đến việc hoàn tất thương vụ. Thay vào đó, bạn nên hỏi lại: “Nếu có mẫu màu xanh, ông có muốn mua ngay không, thưa ông?”
Những câu hỏi như vậy giúp “ràng buộc” khách hàng vào quyết định mua hàng một cách hiệu quả hơn. Điều quan trọng trong chiến thuật này là sử dụng ngôn từ đơn giản, rõ ràng và nhấn mạnh vào các ý chính để tăng khả năng chốt thương vụ.
Bí quyết cho những người bán hàng trực tiếp
Review sách Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao bí quyết cho những người bán hàng trực tiếp: Đôi khi, người bán hàng sẽ đối mặt với những thương vụ đầy thách thức và dễ khiến họ nản lòng. Đó là khi bạn đặt ra một câu hỏi mang tính “thúc đẩy”, nhưng khách hàng lại cứ im lặng.
Thay vì tiếp tục giữ im lặng quá lâu, chỉ cần một khoảnh khắc ngắn, khi bạn cảm thấy khách hàng sắp sửa nói điều gì đó, chính là lúc bạn nên lên tiếng. Bạn có thể mỉm cười và nói: “Thưa ông, khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nói rằng im lặng là đồng ý. Ông nghĩ mẹ tôi nói vậy có đúng không?” Đây là cách tạo sức ép nhẹ nhàng với khách hàng, nhưng mục tiêu chính là khéo léo tạo cơ hội để họ tự cảm thấy áp lực và đưa ra quyết định.
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Phần VI: Chìa khóa để kết thúc thành công thương vụ
Bốn quan niệm chính yếu
Dưới đây là bốn quan niệm chính yếu mà Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao nhắc đến:
- Quan niệm thứ nhất: Người bán hàng đặt toàn bộ niềm tin và sự nhiệt tình vào sản phẩm của mình, vì vậy họ tin rằng mình có thể thuyết phục được nhiều khách hàng đưa ra quyết định mua hàng.
- Quan niệm thứ hai: Khi khách hàng từ chối, bạn cần tỏ ra thật tử tế và tôn trọng họ. Hãy cho họ cơ hội để cảm nhận và đánh giá lại quyết định của mình, từ đó có thể giúp họ điều chỉnh lại những quyết định sai lầm.
- Quan niệm thứ ba: Người chiến thắng trong mỗi thương vụ luôn là người được đào tạo tốt nhất, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kiến thức chuyên môn vững vàng.
- Quan niệm thứ tư: Bạn nhận ra rằng quy trình bán hàng kết hợp với sự trung thực là điều mà bạn đang thực hiện để mang lại lợi ích cho mọi người.
Chìa khóa quan trọng giúp bạn kết thúc thương vụ
- Chìa khóa đầu tiên: Dự báo tích cực
- Chìa khóa thứ hai: Giả định
- Chìa khóa thứ ba: Thích thú bề ngoài
- Chìa khóa thứ tư: Sự nhiệt tình
- Chìa khóa thứ năm: Đặt câu hỏi tiếp theo
- Chìa khóa thứ sáu: Thực sự lắng nghe
- Chìa khóa thứ bảy: Sự việc sắp xảy ra
- Chìa khóa thứ tám: Kiên trì
- Chìa khóa thứ chín: Sự cổ vũ
- Chìa khóa thứ mười: Sự chân thành
Nghệ Thuật Bán Hàng Bậc Cao Phần VII: Sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ
Bạn có thể sử dụng nhiều thiết bị công nghệ hiện đại khác nhau như: điện thoại di động, máy tính xách tay, PDA… Những thiết bị này giúp bạn dễ dàng liên lạc với công ty và khách hàng dù bạn ở bất kỳ đâu. Bạn cũng có thể lưu trữ dữ liệu về khách hàng, giới thiệu sản phẩm, đọc và trả lời thư, viết báo cáo, lập lịch hẹn và sử dụng sổ tay điện tử một cách tiện lợi.
Nếu bạn chưa từng tận dụng những công nghệ hiện đại để phát triển sự nghiệp bán hàng của mình, đây là lúc bạn nên bắt đầu. Hãy hành động ngay lập tức để tận dụng những công cụ sẵn có, giúp nâng cao hiệu quả công việc và mở rộng cơ hội thành công.
Xem thêm: Review Sách Thế Giới Phẳng: Hiện Tượng Toàn Cầu Hóa Trong Kỷ Nguyên Số
Cho đến ngày nay, cuốn sách Nghệ thuật bán hàng bậc cao của Zig Ziglar vẫn được coi là một tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực kinh doanh. Chỉ sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn mới có thể hiểu rõ bản chất của việc bán hàng là gì từ đó tự định hướng cho mình một chiến lược kinh doanh đúng đắn. Hy vọng bài review này của Trạm Sách là chiếc chìa khóa vàng giúp bạn tự phát triển những kỹ năng cần thiết để trở thành một người bán hàng và doanh nhân thành công trong tương lai.